Giá / Tin nông nghiệp

Lập Thạch lập kỳ tích thanh long

Lập Thạch lập kỳ tích thanh long
Tác giả: Việt Tùng
Ngày đăng: 27/05/2016

Bén duyên trên đất mới

Lập Thạch là huyện có địa hình chủ yếu là đồi núi. Từ nhiều năm nay, người dân nơi đây chủ yếu sống bằng nghề trồng ngô, sắn và bạch đàn. Dù mỗi hộ có đến vài ha đất rừng, nhưng cuộc sống của người dân vẫn còn rất nhiều khó khăn do giá trị cây trồng thấp…

Năm 2010, với sự tham mưu của Sở NNPTNT, chủ tịch UBND tỉnh đã phê duyệt dự án trồng thí điểm cây thanh long ruột đỏ trên đất đồi gò ở huyện Lập Thạch, với diện tích khoảng 10ha, trong giai đoạn 2011 – 2013. Dự án được phê duyệt, Trung tâm Khuyến nông, Phòng Trồng trọt (Sở NNPTNT) bắt tay vào triển khai, song lúc đầu chưa nhận được sự đồng thuận của người dân. Bởi họ nghĩ thanh long chỉ hợp với đất, khí hậu của các tỉnh phía Nam, chứ miền Bắc đã nơi nào thành công đâu. Hơn nữa, dù nghèo, nhưng họ quen với cây ngô, sắn, bạch đàn... nên ngại thay đổi.

Mưa dầm thấp lâu, sau một thời gian nỗ lực tuyên truyền bằng việc tổ chức hội nghị, rồi tuyên truyền trực tiếp, những hộ dân nơi đây đã dần hiểu ra và hăng hái, nhiệt tình tham gia. Ông Phan Văn Chí ở thôn Đồng Núi, xã Vân Trục là một trong những người đầu tiên trồng thanh long ruột đỏ, chia sẻ: “Tôi trồng rừng gần 20 năm nay rồi, nhưng cuộc sống vẫn rất khó khăn. Nhưng chỉ sau 2 – 3 năm trồng thanh long ruột đỏ, với 4,5ha gia đình tôi đã có thu nhập 400 – 500 triệu đồng/năm, cao hơn hàng chục lần bạch đàn, sắn”.

Ở Lập Thạch còn có hàng chục hộ thoát nghèo và vươn lên làm giàu nhờ thanh long ruột đỏ, trong đó phải kể đến gia đình ông Nguyễn Văn Hòa (thôn Đồng Chay, xã Xuân Hòa)- người đã mạnh dạn phá rừng bạch đàn để trồng tới 6ha thanh long. Hiện 2/3 diện tích đã và đang cho thu hoạch. Theo ông Hòa, mỗi năm trừ chi phí gia đình ông lãi khoảng 500 triệu đồng. Không trồng nhiều như ông Chí, ông Hòa, song ông Nguyễn Văn Hoàng (xã Ngọc Mỹ) là một trong những hộ được đánh giá là có vườn thanh long đẹp nhất. Thanh long của ông Hoàng đẹp cả về hình thức và ngon về chất lượng.

“Sau khi có dự án, tôi đã tìm hiểu rất nhiều tài liệu, sách báo hướng dẫn cách trồng, chăm sóc thanh long. Thú thực tôi không nghĩ thanh long trồng ở Lập Thạch lại có chất lượng tốt như vậy. Năm ngoái giá dao động từ 30.000 – 40.000 đồng/kg, cao hơn rất nhiều thanh long nơi khác” – anh Hoàng chia sẻ.

"Chúng tôi rất cần sự vào cuộc của các ngành chức năng, cơ quan báo chí, nhằm giúp người dân hiểu được giá trị của việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu. Chỉ khi người dân hiểu và gắn lợi ích của họ, thì việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu thanh long ruột đỏ Lập Thạch mới có thể phát triển bền vững” .

Ông Nguyễn Đình Long

Khẳng định thương hiệu tập thể

Ông Nguyễn Đình Long – Chủ tịch Hội sản xuất thanh long ruột đỏ huyện Lập Thạch cho biết, hiện tổng diện tích  cây trồng này cả huyện khoảng 120ha, trong đó khoảng 40 – 50ha đang cho thu hoạch. “So với thanh long ruột trắng, thanh long ruột đỏ chiếm ưu thế hơn hẳn. Bởi cùng chế độ chăm sóc, nhưng thanh long ruột đỏ cho quả nhiều hơn, mẫu mã đẹp hơn. Đặc biệt giá trị dinh dưỡng cao, tỷ lệ đường chiếm từ 16-18%, vị ngọt đậm đà, không nhớt và có vị thơm rất dễ ăn” – ông Long cho biết thêm.

Mặc dù có chất lượng tốt, thị trường tiêu thụ còn rộng, song ông Long cho rằng, về lâu dài huyện và tỉnh cần phải tính đến đầu ra khi kế hoạch mở rộng diện tích của tỉnh ngày một tăng. Theo kế hoạch của tỉnh, đến hết năm 2016, Vĩnh Phúc sẽ có khoảng 300ha thanh long và năm 2020 là 500ha. Trong đó có khoảng 20ha được quy hoạch sản xuất theo quy trình VietGAP và hiện nay nhiều hộ cũng đã và đang áp dụng mô hình này.

Một sự kiện rất vui đối với những người trồng thanh long ruột đỏ nơi đây là ngày 29.7.2015, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) đã ra Quyết định 7766 về việc chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Thanh long ruột đỏ Lập Thạch”. Được biết, Sở NNPTNT đang phối hợp Sở KHCN hoàn thành hồ sơ trình Cục Sở hữu trí tuệ công nhận thương hiệu chỉ dẫn địa lý đối với “Thanh long ruột đỏ Lập Thạch”.


Có thể bạn quan tâm

Mô hình nuôi bò vỗ béo ở xã Tiến Thành (Bình Thuận) Mô hình nuôi bò vỗ béo ở xã Tiến Thành (Bình Thuận)

Những năm gần đây, để đáp ứng nhu cầu bón phân cho cây thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, các hộ nuôi bò trên địa bàn TP. Phan Thiết ngày càng nhiều và có xu hướng tăng nhanh.

27/05/2016
Gà thịt tăng giá, người nuôi có lãi Gà thịt tăng giá, người nuôi có lãi

Gần một tháng qua, nhu cầu tiêu dùng thịt gà tăng, đẩy giá gà thịt tăng theo, giúp người nuôi có lãi.

27/05/2016
Ông trùm gà Đông Tảo ở đất Đồng Nai Ông trùm gà Đông Tảo ở đất Đồng Nai

Khởi nghiệp chỉ với 10 con gà, nhưng sau gần 15 năm trong nghề, anh Vũ Ngọc Tuấn (sinh năm 1970, xã Đông Hòa, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) đã gây dựng được trang trại gà Đông Tảo lớn bậc nhất trong khu vực. Anh Tuấn được nhiều người gọi là “Ông trùm gà Đông Tảo” đất Đồng Nai.

27/05/2016